Monday, December 13, 2010

Bí kíp cảm thụ nhạc cổ điển

Tác giả: Vĩnh Lạc

Với một bài văn là con thuyền “chở” ý thì bản nhạc tự nó đến với ta, không nhờ ai “chở” đi và có thể cũng không “chở” ai đi. Chúng ta thưởng thức bản thân âm thanh chứ không thưởng thức cái mà âm thanh mang đến.

 LTS: Tiếp theo bài viết của một thân hữu, giới thiệu cách đơn giản và dễ hiểu nhất về nhạc cổ điển kì trước, Tuần Việt Nam xin đăng tải tiếp bài viết nằm trong mạch "Để nhạc cổ điển gần gũi với công chúng Việt Nam" đó là bàn về cách cảm thụ âm nhạc đối với thể loại nhạc cổ điển.

Hấp lực của dòng nhạc cổ điển 

Những nhà chuyên môn lẫn những người không chuyên âm nhạc vẫn thường hay dùng câu "hiểu âm nhạc" mà không xét tới nghĩa chính xác của câu này, thậm chí không nghĩ tới việc khái niệm "hiểu" có thể áp dụng cho âm nhạc hay không.

Chúng ta nói: "tôi không hiểu Beethoven" giống như chúng ta nói: "tôi không hiểu Einstein", nhưng chúng ta không để ý sự khác biệt giữa các phát biểu này. Đâu là cái khác biệt giữa một nhạc phẩm mà ta hiểu với một nhạc phẩm mà ta không hiểu? Có một cái gì khác ngoài ca từ có thể hiểu được trong âm nhạc không?

"Hiểu" là một động tác của tri thức. Âm nhạc có phải là tri thức để mà hiểu hay không? Nếu ta nói rằng có, tức là tri thức có một vai trò gì đó trong thưởng thức âm nhạc, thì chúng ta có thể kết luận rằng chính cái đó sẽ xác định xúc cảm và lạc thú mà bản nhạc đem lại cho chúng ta? Hay là sự thấu hiểu sẽ theo gót chứ không dẫn dắt xúc cảm?

Từ "hiểu" chỉ có thể áp dụng cho âm nhạc nếu như âm nhạc có một ý nghĩa nào đó. Hiểu tức là nắm bắt được ý nghĩa, mà ý nghĩa là cái giá trị khách quan được tượng trưng bởi các ký hiệu và mối liên hệ giữa những ký hiệu với nhau.
                       Với một bài văn là con thuyền “chở” ý thì bản nhạc tự nó đến với ta. Ảnh: yume.vn 

Liệu có thể có một khái niệm nào trong âm nhạc có chức năng làm biểu tượng cho một ý nghĩa nào đó? Chẳng hạn, ta thường thấy các chỉ dẫn ghi trong bản nhạc: "hùng tráng", "vui tươi" hay "chậm, buồn", đó là những chỉ dẫn rất mơ hồ, không có gì đảm bảo những dàn nhạc khác nhau thể hiện cái "hùng tráng", "vui tươi", "buồn" như nhau cả. Chính việc nhà soạn nhạc ghi những chỉ dẫn như thế trên bản nhạc cho ta thấy sự bất lực của phép ký âm trong việc bảo đảm truyền đạt ý của tác giả đến người trình tấu.

Thính giả của một bài diễn thuyết bằng lời có thể có những phản ứng khác nhau về bài nói. Thính giả của một bản nhạc cũng thế. Khác biệt là bài diễn thuyết có một ý nghĩa xác định rõ ràng qua nội dung những từ ngữ trong bài, ý nghĩa từng từ ngữ đó được ghi rõ trong từ điển. Nếu một bài diễn thuyết kêu gọi hòa bình lại gây ra xô xát, ta bảo bài diễn thuyết đó bị hiểu lầm. Điều này không thể xác định rõ như thế trong âm nhạc.

Trong âm nhạc, hệ thống các âm thanh được cảm nhận trực tiếp, nó có một giá trị thực chất, nó có thể khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt, nhưng tất cả diễn ra trong một mức sâu kín hơn ngôn ngữ trong tâm tưởng người thưởng thức, và chính sự thưởng thức mới quan trọng hơn sự thấu hiểu.

Với một bài văn là con thuyền "chở" ý thì bản nhạc tự nó đến với ta, không nhờ ai "chở" đi và có thể cũng không "chở" ai đi. Chúng ta thưởng thức bản thân âm thanh chứ không thưởng thức cái mà âm thanh mang đến.

Nhưng phải chăng ngôn ngữ luôn chỉ là một hệ thống ký hiệu mà không có chút giá trị nội tại nào trong những câu, chữ? Không, hoàn toàn không. Hãy xem thơ ca, nếu tách bài thơ thành những mệnh đề, nhóm từ và từ mà phân tích, liệu chúng ta có nắm bắt tất cả giá trị tiềm ẩn trong bài thơ? Hoàn toàn không, chúng ta sẽ bỏ mất thật nhiều, đôi khi là tất cả. Bài thơ chỉ được truyền đạt trọn vẹn khi nó đến một cách toàn vẹn, mọi sự phân tích sẽ ít nhiều làm mất cái "chất thơ".

Thơ, đó là ngôn từ được sử dụng một cách nghệ thuật, nó mang lại giá trị của bản thân ngôn từ chứ không chỉ ý nghĩa. Từ âm điệu, vần nhịp, xúc cảm không diễn giải được, các giá trị này nằm bàng bạc trong toàn thể bài thơ mà không nằm ở bất cứ phần nào có thể chỉ ra được. Cũng như thế, một khúc nhạc không thể được phân tích, tách rời và diễn dịch bằng các thuật ngữ hợp lý.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu từ đó rút ra kết luận "âm nhạc không có nghĩa gì cả", hoặc nội dung của âm nhạc là mơ hồ. Cho dù âm nhạc là không thể diễn dịch được, có một cái tạm gọi là "nhạc cảm" trong bản nhạc, nó có thể cực kỳ xác định. Nói đến nhạc cảm không chỉ là nói đến các cảm xúc vọng lại từ thính giả. Những cảm xúc vọng lại này sẽ tan biến, nhưng tồn tại rõ ràng trong mỗi bản nhạc là cái nội dung tinh thần làm cho một bản nhạc không thể lẫn lộn với các bản nhạc khác.

Một bản nhạc được sáng tác ra, nhiều nhạc công chơi nó, tất cả đều khác nhau đôi chút trong cách xử lý nốt nhạc, họ tạo ra những phản ứng khác nhau từ thính giả. Tất cả những cách thể hiện và đáp ứng đó đều không sai, vì dựa trên cái gì để phán xét? Chỉ riêng tác giả biết được cảm xúc của thính giả có đúng với những gì mình muốn diễn đạt hay không. Nhưng rồi tác giả mất đi, tất cả chỉ còn là những ký hiệu trên trang giấy và những chỉ dẫn mơ hồ về cách diễn tấu.

Một số cảm xúc có thể được truyền đạt không phải qua bản thân âm thanh của bản nhạc mà từ tên gọi, ca từ, giai thoại, kiến thức về tiểu sử tác giả, về hoàn cảnh lịch sử khi bản nhạc ra đời. Gạt bỏ tất cả những thứ ngoài bản thân âm thanh thì bản nhạc truyền đạt được gì? Truyền đạt cụ thể và chính xác đến mức nào? Nếu đặt lại tên, đặt lại lời một bài hát, liệu có thể làm quay ngược nhạc cảm 180 độ hay không?

Người ta thường có khuynh hướng cho rằng âm nhạc là nghệ thuật kết hợp các âm thanh, các nhà soạn nhạc được hình dung như các phù thủy, pha trộn âm thanh để tạo ra cảm xúc và khoái cảm cho thính giác. Nếu chỉ có thế, một đầu bếp trứ danh cũng làm phép trên thịt thà, rau cá, phối hợp hương vị để tạo cảm xúc và khoái cảm cho thực khách, có kém gì?

Cái khác biệt là người ta có thể thưởng thức món ăn mà không cần nhiều đến trí thông minh, học vấn và vốn sống, nhưng với âm nhạc thì không thể. Khi nghe nhạc, người ta chấp nhận một kết nối tâm linh giữa tác giả, người trình tấu và người nghe, trong đó cả ba đều thể hiện và phát triển nhân cách của mình, nhiều hay ít. Trong âm nhạc, luôn có trao và nhận, có biểu đạt và tiếp thụ, song hơn nữa, có sự sáng tạo không chỉ ở người trao mà còn ở người nhận.
        Mỗi người đều có một cách cảm thụ âm nhạc theo cách riêng của mình. Ảnh: nguyenduvt.info

Vậy âm nhạc không phải chỉ là sự kết hợp âm thanh để tạo khoái cảm cho đôi tai. Nội dung của âm nhạc, nếu như không diễn giải được, không phải vì nó quá mơ hồ, mà ngược lại, bởi vì nó quá cụ thể. Nó là nhân cách, con người của nhạc sĩ. Nếu tôi giới thiệu với bạn một người, tôi có thể nói gì? Đây là ông X, ông là tiến sĩ, giáo sư, ông đã viết công trình A và B, ông đã phát minh ra Y và Z..., tất cả những điều đó cho bạn cảm giác cụ thể về ông X, kỳ thực chúng chỉ là trừu tượng. Ông X cụ thể, bạn chỉ biết khi đã sống với ông ta, có những giao tiếp mật thiết với ông ta. Cái cụ thể không thể diễn giải gì thêm, ngược lại cái có thể diễn giải bằng lời lại chỉ là những điều trừu tượng.

Bạn cho tôi nghe một khúc nhạc và hỏi tôi: Bạn nghe thấy gì? Bạn có thể nói lên điều gì? Nếu đó là âm nhạc đích thực, tôi chỉ có thể nói: Tôi nghe thấy khúc nhạc của bạn, tôi không thể truyền đạt cho ai điều gì về khúc nhạc ấy, ngoài việc chơi lại nó lần nữa, nếu tôi có thể.

Có lẽ có hai cách nghe nhạc khác nhau. Một là gắng sức cảm thụ cái đẹp, khi đó nghe một bản nhạc có thể là một công việc đôi khi mệt nhọc và đôi khi có cả đau đớn, tương tự như đọc một bài thơ buồn, xem một vở bi kịch, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị tinh thần, một quá trình hành động tích cực và chủ động diễn ra trong tâm thức, phối hợp với sự diễn tấu. Cách thứ hai, mà tôi cho là đa số người nghe nhạc thường theo, là thụ động buông mình theo cảm giác, nhằm tìm thấy những khoảnh khắc vắng mặt của ý thức. Có những bản nhạc thích hợp cho cách nghe này hay cách nghe kia, có lẽ người ta chia âm nhạc ra loại "giải trí" và loại "nghiêm túc" là vì vậy.

Nhưng cũng chẳng có gì cấm chúng ta cảm thụ theo cả hai cách cùng một lúc.

Theo: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-08-20-cach-cam-thu-am-nhac-co-dien
Xin cám ơn tác giả.
Xin mạn phép trích lại hai đoạn:
' "Hiểu" là một động tác của tri thức. Âm nhạc có phải là tri thức để mà hiểu hay không? '
Và ' Từ "hiểu" chỉ có thể áp dụng cho âm nhạc nếu như âm nhạc có một ý nghĩa nào đó. '

No comments:

Post a Comment